Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2010

nhavanNguyenNgoc

Nguyên Ngọc

05:57' PM - Thứ bảy, 04/07/2009




Nguyên Ngọc (sinh 1932)

Nguyên Ngọc (5 tháng 9, 1932 – ) tên thật là Nguyễn Văn Báu, bút danh khác là Nguyễn Trung Thành. Ông là nhà văn, nhà văn hóa -giáo dục Việt Nam, phóng viên chiến trường, tổng biên tập báo và dịch giả.

- Năm 1932: ông sinh tại Đà Nẵng. Quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

- Năm 1950: nhập ngũ, chủ yếu hoạt động ở Tây Nguyên – chiến trường chính của Liên khu V bấy giờ.

- Sau một thời gian ở đơn vị chiến đấu, ông làm phóng viên báo Quân đội nhân dân liên khu V và lấy bút danh Nguyên Ngọc.

- 1954-1955: tập kết ra Bắc, viết tiểu thuyết Đất nước đứng lên, kể về cuộc kháng chiến chống Pháp của người Ba Na, tiêu biểu là anh hùng Núp và dân làng Kông-Hoa, dựa trên câu chuyện có thật của Đinh Núp. Ông được trao giải thưởng Văn nghệ Việt Nam Sau này cuốn truyện được dựng thành phim.

- 1962: trở lại miền Nam, lấy tên là Nguyễn Trung Thành, hoạt động ở khu V, là chủ tịch chi hội Văn nghệ giải phóng miền Trung Trung Bộ, phụ trách Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng của quân khu V.

- 1965: Đạt Giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu với Rừng xà nu. Giải thưởng Hoa Sen của Hội Nhà văn Á Phi.

- Trong cả hai cuộc kháng chiến, ông gắn bó mật thiết với chiến trường Tây Nguyên, là đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông là bạn và dành nhiều tình cảm trân trọng đối với Nguyễn Thi, Nguyễn Khải.

- 1976-1980: Là Đại biểu Quốc hội khóa IV.

- 1987: Làm Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ.

- 1988: Trưởng ban sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam.

- Trong thời kỳ Đổi Mới và phong trào Cởi Mở ông đã có những đổi mới quan trọng về nội dung tư tưởng của tờ báo và được coi là người có công phát hiện, nâng đỡ nhiều nhà văn tên tuổi sau này như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Phạm Thị Hoài...

- 1995: Về hưu, tiếp tục tham gia nhiều hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và chấn hưng giáo dục Việt Nam. Ông vận động thành lập trường đại học Phan Châu Trinh, đồng thời dịch một số tác phẩm lý luận văn học như Độ không của lối viết (Rolland Barthes), Nghệ thuật tiểu thuyết (Milan Kundera), tác phẩm của Jean-Paul Satre, Jacques Dournes...


Đôi dòng tự bạch của tác giả

- Tôi sống và làm theo những điều mình tin, và chịu trách nhiệm về tất cả điều đó, không thối lui, không nhân nhượng.

Đúng sai là điều khó tránh ở đời, nhưng tôi luôn coi trọng sự nhất quán trong thái độ sống: bao giờ cũng sống như một người tự do, trước hết với chính mình.

Giờ đây, ở tuổi 70, tôi đang cố gắng làm cho tốt bước khởi đầu của ngôi trường mà chúng tôi đang đeo đuổi, tạo cho được bước khởi đầu tốt, để những anh chị em trẻ hơn, giỏi hơn sẽ tiếp tục sau này. Về phần riêng, tôi tranh thủ viết một cái gì đó về những gì đã từng nếm trải. Thỉnh thoảng tôi cũng viết về những bức xúc xã hội mà mình không thể làm thinh, và dịch đôi cái thích thú, cần thiết, bởi vì không có cách nào để đọc một cuốn sách thật kỹ, thật sâu bằng cách cặm cụi dịch nó ra. Các công việc tôi làm đều bổ sung cho nhau, là một thứ thể dục đầu óc, làm chậm bớt sự già cỗi đáng sợ về trí tuệ.

- Tôi có một niềm tin có thể khá ngây thơ và ảo tưởng chăng: một xã hội có thật nhiều người say mê đọc sách thì sẽ bớt đi được rất nhiều những điều vẫn được gọi chung là tiêu cực: tội ác, sự giả dối, gian lận... Tôi luôn tin rằng sách có tác dụng làm thanh sạch tâm hồn.

- Con đường đi của sách chính là con đường đi của các tư tưởng, nó chuyển các tư tưởng lớn, mới, đi đến những nơi xa xôi nhất so với điểm xuất phát của chúng, tác động thường bắt đầu rất lặng lẽ, "hiền lành", nhưng rồi sẽ gây ra chuyển động, trước hết ở cái nơi không lực lượng nào và phương tiện gì có thể ngăn trở, dập tắt được, là trong đầu óc con người. Và một khi đầu óc con người đã chuyển động, thì tất sẽ gây ra chuyển động xã hội, sớm hay muộn. Một cách hình ảnh, có thể nói, con người cầm quyển sách mà đi tới trên đường tiến hóa của mình. Không thể tưởng tượng một thế giới mà không có sách.

- Trên thế giới, nguy cơ nghe nhìn tiêu diệt sách đã không hề diễn ra, nhưng ở ta, với tình hình cho đến nay, hình như đấy không phải chỉ là một mối lo hão. Tình hình đã có khá lên đôi chút gần đây, nhưng vẫn còn là đáng báo động. Phải có một chiến lược nghiêm túc khôi phục văn hóa đọc, nếu quả thật chúng ta không có lợi ích gì trong việc để có một xã hội dễ dãi và lười suy nghĩ.

- Cái hổng nhất của giáo dục nước ta là ở triết lý giáo dục. Giáo dục tiên tiến dạy cho con người ta khả năng đầu tiên là khả năng phản đối trước khi đồng ý, với nguyên lý cơ bản là tạo ra con người độc lập, tự do cho xã hội.

- Thiết lập lại một nền giáo dục khác hẳn nhằm tạo nên những con người tự do, dám và biết tự mình đi tìm lấy chân lý, sống và làm việc theo chân lý mình đã chọn, chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy. Sự thống nhất của xã hội sẽ là sự thống nhất của những con người tự do, đầy trách nhiệm với chính mình và với xã hội, đầy tự chủ và sáng tạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét